Tôi có thói quen thích quan sát hành vi và cử chỉ của những người bạn mới quen,vì thế phát hiện được nhiều nét đáng yêu,
đáng trọng của họ qua cách sống và các hành vi ứng xử . Cuộc sống thường nhật thật đa dạng. Gặp gỡ, giao lưu bạn bè là một nhu cầu không thể thiếu được của mỗi người. Các lần giao tiếp luôn luôn mới, để lại cho ta nhiều cảm xúc, buồn, vui, nể trọng , đáng phục hoặc coi thường. Thường là khi giao tiếp người ta biết được ai là người văn minh, thanh lịch, ai là người còn vụng về hoặc chưa có chiều sâu văn hoá.
Có lúc người ta ít chú ý đến các hành vi của nhau nhưng có khi chỉ một hành vi nhỏ mà làm ta nhớ mãi.
Có
một lần đi nghỉ mát tại Đồ Sơn, tôi và
những người bạn chọn một quán hàng giải khát để
ngồi nói chuyện và tán gẫu. Tìm được quán có
khá nhiều cây cảnh đẹp, chúng tôi vừa ngồi uống
nước vừa ngắm cây, hoa, lá, vừa ngắm biển cho tâm hồn
thanh thản. Tôi không sành về cây cảnh , chỉ biết nhìn,
ngắm, chiêm ngưỡng các hình dáng- thế của cây rồi màu
sắc của các loại hoa và không có lời bình luận. Chúng
tôi kể cho nhau nghe nhiều chuyện, công việc ở cơ quan,
gia đình, rồi bàn đến tiêu chuẩn thế nào là người
đẹp, thế nào là người thanh lịch, hiện đại, văn minh…Mỗi
người một ý, có khi tranh luận thật sự, song gộp các
nội dung tiêu chuẩn lại chúng tôi đã tìm thấy bóng, thấy
mẫu hình của người đẹp thưc sự. Tuy nhiên các ý kiến
vẫn cứ dài mãi ra vì cứ chọn được tiêu chuẩn này
thì vẫn cứ thấy thiếu tiêu chuẩn kia...Rồi lại chuyển
chủ đề sang hoa và cây cảnh. Bỗng một cô bạn reo lên
: “Ông chủ ơi, ông có cái cây này đẹp quá, mà có những
hai cây, ông để cho tôi một cây nhé”. Cô cứ xuýt xoa
khen ngợi và nói đi nói lại nhiều lần khiến cho ông chủ
quán phải mủi lòng, ông đồng ý để lại cho cô. Hồi
ấy chậu đựng cây cảnh không nhiều như bây giờ nên
ông chủ quán phải giữ lại chậu cảnh còn cô bạn tôi
thì phải lấy giấy xi măng để bọc cây. Sau khi nhận được
cây cô bạn tôi lại ngồi vào bàn uống nước và nói cười
vui vẻ. Cả hội vẫn tiếp tục những câu chuyện phiếm.
Bỗng tôi thấy anh M. bước lại nơi ông chủ vừa lấy
cây cảnh cho cô gái, rất nhẹ nhàng anh thu hết những hạt
đất còn sót lại trên nền gạch hoa để vào một chiếc
phong bì mà anh đang có sẵn trong tay rồi đổ chút ít đất
vương lại vào chậu cây cảnh gần đó một cách gọn gàng
như khi anh nhặt những hạt đất vương. Mọi người cũng
không quan tâm lắm đến hành vi này. Nhưng ông chủ quán
lúc này đang ngồi cạnh tôi thì lại tâm đắc gật gù.
Ông hỏi tôi: “ Có phải anh bạn kia là người Hà Nội
không”. Tôi gật đầu và nói: “ Anh ta là người Hà Nội
gốc đấy”.
Ông chủ quán tỏ ý đồng tình với hành vi rất nhỏ đó của anh bạn tôi. Ông còn thủ thỉ nói với tôi về những hành vi tưởng là nhỏ
nhặt nhưng để lại cho ông ấn tượng không bao giờ quên đối với người Hà Nội xưa. Nhiều lần đến chơi nhà bà con ở Hà Nội, khi được mời ăn cơm
ông chú ý thấy mâm, bát, đũa rất sạch, những bát ăn cơm thường cùng một loại, bát múc canh, đĩa đựng thức ăn, rồi đũa, thìa… bao giờ cũng đồng bộ.
Bữa cơm giản dị có một đĩa tôm rang vàng rộm, một đĩa đậu rán tẩm hành hoa, một đĩa thịt lợn rang cháy cạnh thơm phúc và một đĩa rau muống luộc rất xanh,
nước chấm rất ngon, cơm sốt dẻo,
trên mâm cơm bao giờ cũng có một cái bát để xương hoặc những thứ có thể vương vãi trong khi ăn vào đó.
Ăn cơm xong, ngồi uống nước,
xỉa răng, ông thấy những người trong gia đình thường
che miệng để xỉa rồi để tăm bẩn vào vào một giỏ
rác nhỏ cạnh bàn, sau đó được người nhà đem đổ vào
thùng rác lớn trong nhà.
Ông nói: “ Khi họ uống nước tôi thấy bao giờ
họ cũng gạt đáy chén qua đĩa đựng chén
để nước khỏi vương lên bàn, và họ uống từng
hớp một , không để phát ra tiếng động, tách chén của
họ rất sạch. Có một chút nước vương ra là
họ lau ngay, khăn lau cũng sạch sẽ.
Có
hôm tôi đi cùng người nhà ra phố chơi, vừa
ra khỏi nhà, thấy trước cửa có một nhúm giấy vụn
ai đó vứt ra ông bèn nhặt lên và quay về nhà
cho vào sọt rác nhà mình rồi lại tiếp tục đưa
tôi đi. Tôi nghĩ chắc ông thường xuyên làm
việc này nên ông chẳng ngại khi quay lại nhà vứt nhúm
giấy vụn đó đi. Cho nên nhìn ông bạn của anh nhặt hết
chút đất vương rơi rớt lại là tôi biết anh ta là người
Hà Nội ngay”.
Ông
chủ quán còn kể cho tôi nghe nhiều chi tiết mà ông
thấy được ở những người Hà Nội trước đây, như
khi ra đường sau khi ăn không có ai ngậm tăm cả. Phụ nữ
tóc dài khi gội đầu chưa khô nếu có việc cần ra đường
cũng không ai để tóc xoã xượi, họ phải búi tóc lên
hoặc cặp lại cho gọn gàng. Ra đường bao giờ họ cũng
mặc rất chỉnh tề, lịch sự, đi đứng khoan thai, dù có
việc vội phải đi họ cũng không xấp ngửa, vội vàng.
Các bà khi ra khỏi nhà bao giờ cũng trang điểm nhẹ, trông
tươi mà không phô. Đi đến nơi nào, gặp khách loại nào
họ đều mặc trang phục tương xứng. Khi ngồi với ai đó,
hoặc đi trên đường, có một mình thôi, khi ngáp vặt bao
giờ họ cũng lấy tay che miệng. Họ không khạc nhổ
bừa bãi vì nhà nào cũng có ít nhất một cái ống nhổ,
họ không cũng vứt rác bừa bãi nhất là những nơi công
cộng. Có lẽ do trước đây vào thời Pháp thuộc ai vứt
rác sẽ bị phạt nặng nên dần đần đã tạo nên cho họ
những thói quen đẹp và có ý thức.
Ai cũng biết muốn có nét đẹp trong nếp sống thường nhật là phải tự học hỏi, qua trường, lớp, sách vở , qua bạn bè để rồi tạo thành ý thức và nếp sống bền vững. Học làm người lịch sự cũng khó lắm, vì người ta rất hay quên hoặc chưa hiểu hết các hành vi đáng phải làm mà làm một cách tự giác. Hiện tại có những động tác đơn giản như khi ngáp phải che miệng, ăn uống không nên phát ra tiếng động thì có người lại phản đối coi đó là không thoải mái, quá gò bó, hoặc ăn uống xong vẫn cứ ngậm tăm đi ra đường, thậm chí khi nói chuyện với người khác tăm vẫn còn cắm trên miệng. Khi nói thì văng tục tứ tung, đi đứng khệnh khạng, làm phiền người khác không biết xin lỗi, được giúp đỡ không biết cám ơn… Những chuẩn mực lịch sự trong lễ nghi, giao tiếp, ứng xử chắc chẳng thay đổi nhiều qua các thời đại, nó chỉ phong phú và linh hoạt hơn thôi. Vì thế muốn có nếp sống thanh lịch là phải học và có ý thức thực hiện, dần dần tạo thành nếp nghĩ, nếp hành động. Nếp sống văn minh, hiện đại mà người Hà Nội có được
là nhờ học hỏi và phát huy nếp sống thanh lịch xưa của đất kinh kỳ, đất ngàn năm văn hiến ./.
© Tác giả giữ bản quyền .
. Cập nhật trên Newvietart.com ngày 27.02.2012 theo bản gởi của tác giả từ HàNội.
. Đăng tải lại vui lòng ghi rõ nguồn Newvietart.com